NGƯỜI NƯỚC NGOÀI CHI TRẢ KỶ LỤC ĐỂ MUA BẤT ĐỘNG SẢN TÂY BAN NHA
Người nước ngoài đang chi tiêu hào phóng khi mua bất động sản tại Vương quốc Tây Ban Nha. Theo dữ liệu chính thức từ các văn phòng công chứng, mức chi trung bình của người không cư trú đạt tới EUR 2,715/m2 trong nửa cuối năm 2023, tăng 6,1% so với năm trước, và đây là con số cao nhất từng được ghi nhận.
Mức giá này đã kéo mức trung bình trả bởi toàn bộ người nước ngoài (bao gồm cả cư trú và không cư trú) lên EUR 2,175/m2, trở lại mức của năm 2008 sau khi tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trung bình của bất động sản tại xứ sở bò tót cũng đã tăng lên EUR 1,712/m2, bao gồm cả người nước ngoài và người Tây Ban Nha, với mức tăng 2,1% so với năm trước.
Các mức giá cao nhất được trả bởi người mua từ Thụy Điển (EUR 3,077/m2), Hoa Kỳ (EUR 3,006/m2), Đức (EUR 2,848/m2) và Thụy Sĩ (EUR 2,828/m2). Người mua từ Na Uy, Ba Lan, Nga, Hà Lan, Pháp và Ý cũng trả vượt mức trung bình của tất cả người nước ngoài. Ngược lại, người Ma-rốc (EUR 723/m2), Romania (EUR 1,096/m2) và Bulgaria (EUR 1,219/m2) chi trả thấp nhất. Về tỷ lệ, Ba Lan (17,9%), Nga (16,8%) và Trung Quốc (10,7%) có mức tăng giá cao nhất, vượt xa mức trung bình 4,1%.
Sự sụt giảm chung trong giao dịch
Sự gia tăng về giá cả này đối lập với sự sụt giảm về số lượng giao dịch. Theo thống kê của các công chứng viên, số lượng giao dịch bất động sản của người nước ngoài tại quốc gia Địa Trung Hải này trong nửa cuối năm 2023 chỉ đạt 63.183, giảm 10% so với năm trước, là mức thấp nhất kể từ nửa đầu năm 2021.
Tỷ lệ giao dịch của người nước ngoài cũng giảm, kết thúc năm ngoái ở mức 20,9% sau hai kỳ liên tiếp vượt quá 21%. Dù vậy, đây vẫn là con số cao thứ ba từ trước đến nay. Một số khu vực vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về giao dịch với người nước ngoài so với cùng kỳ: Asturias (11,5%), Cantabria (4%), La Rioja (3,4%), Murcia (1,8%) và Castile-La Mancha (1,1%).
Levante là khu vực trọng điểm, Asturias đang ở đỉnh cao
Nhìn vào tổng số giao dịch, Cộng đồng Valencia tiếp tục dẫn đầu với 18.919 giao dịch, chiếm 29,94% tổng số, tức cứ 10 căn nhà được mua bởi người nước ngoài ở Tây Ban Nha thì có ba căn ở khu vực này. Trong thời gian dài, Levante luôn là đầu tàu của thị trường bất động sản, không chỉ với người mua nước ngoài mà còn với người dân trong nước. Cộng đồng này còn ghi nhận nhiều giao dịch hơn cả Madrid và Catalonia trong thị trường nội địa.
Esther Abad, Điều phối viên Khu vực Levante và Catalonia tại Foro Consultores, nhận định rằng tỷ lệ cao người mua nước ngoài ở cộng đồng này, đặc biệt là Alicante, là động lực chính. Đây là nhóm khách hàng “năng động, ít nhạy cảm với giá cả và lãi suất hơn so với người mua Tây Ban Nha.”
Andalusia theo sát sau Cộng đồng Valencia với 11.768 giao dịch của người nước ngoài trong giai đoạn từ tháng Bảy đến tháng Mười Hai năm 2023, tiếp theo là Catalonia (9.773), Madrid (4.502), quần đảo Canary (4.280), quần đảo Balearic (3.028), Castile-La Mancha (1.603), Castile và Leon (1.164) và Aragon (1.003). Các cộng đồng khác có dưới một nghìn giao dịch.
Người Anh dẫn đầu, người Colombia lập kỷ lục
Theo các công chứng viên, nhóm người nước ngoài mua nhiều nhà nhất là người Anh, chiếm 9,7% tổng số giao dịch (6.155), tiếp theo là người Ma-rốc (7,14%) và người Đức (7,11%). “Nhóm quốc tịch còn lại ngoài EU chiếm 11,6%, tiếp tục xu hướng tăng trong các kỳ trước,” các công chứng viên nhấn mạnh. Giao dịch của người Na Uy (-30%), Đức (-25,8%) và Thụy Điển (-25,1%) ghi nhận mức giảm nhiều nhất so với cùng kỳ năm trước, trong khi Ireland (12%), Ukraine (9%) và Nga (4,7%) có sự tăng trưởng đáng kể nhất.
Dù người Colombia không nổi bật về số lượng giao dịch bất động sản, cũng như không có sự tăng trưởng đột biến, nhưng đã thiết lập kỷ lục với 932 giao dịch. Nhiều trong số đó thuộc phân khúc cao cấp, đến từ sự quan tâm với bất động sản hạng sang của những người có thu nhập cao ở quốc gia Mỹ Latinh này.
Ý kiến chuyên gia: Việc chấm dứt thị thực vàng ở Tây Ban Nha sẽ có tác động hạn chế.
Vào đầu tháng 04/2024, Chính phủ Tây Ban Nha đã khởi động quá trình loại bỏ cấp giấy phép cư trú cho người nước ngoài ngoài Liên minh châu Âu (EU) khi đầu tư hơn 500.000 euro vào bất động sản. Dù đây được xem là một đòn giáng mạnh vào lĩnh vực này, các chuyên gia bất động sản hàng đầu tại Tây Ban Nha nhận định thiệt hại sẽ hạn chế do hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài không nhắm đến Tây Ban Nha để lấy giấy phép cư trú.
Ban đầu, chương trình thị thực vàng được thiết kế nhằm thu hút nhà đầu tư từ bên ngoài EU và Khu vực Schengen. Tuy nhiên, từ khi áp dụng năm 2013, số lượng giao dịch liên quan đến chương trình này vẫn rất thấp. Đa phần giao dịch bất động sản của nhà đầu tư quốc tế tại Tây Ban Nha không liên quan đến thị thực vàng mà xuất phát từ EU.
Theo số liệu chính phủ, khoảng 14.500 thị thực vàng đã được cấp kể từ năm 2013, đối lập hoàn toàn với con số khoảng 600.000 căn nhà được bán mỗi năm trên toàn Tây Ban Nha mà không phụ thuộc vào chương trình này. Nhiều chuyên gia địa phương cho rằng chiến lược hiệu quả hơn là gia tăng nguồn cung nhà ở và phát triển thêm các dự án mới, cả trong lĩnh vực công và tư.
Từ năm 2013 đến 2022, chỉ dưới 5.000 giấy phép cư trú theo chương trình thị thực vàng được cấp, chiếm chưa đến 0,1% trong số 4,5 triệu căn nhà đã bán trong giai đoạn đó. Việc người ngoài EU mua nhà không gây ra xung đột tại Tây Ban Nha. Thực tế, vấn đề nhà ở không phải do chương trình thị thực vàng, mà là do sự thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu mua, thuê nhà tăng nhanh. Năm 2023, chỉ có 3.200 thị thực vàng được cấp, là một phần rất nhỏ trong tổng số 87.000 giao dịch bất động sản mà người nước ngoài thực hiện tại Tây Ban Nha.