THẾ HỆ, TÀI SẢN VÀ HÀNH VI: 25 NĂM DỊCH CHUYỂN TIÊU DÙNG VÀ SỞ HỮU Ở ÚC
Trong 25 năm qua, lối sống người Úc đã dịch chuyển theo hướng phản ánh sự tái định hình cấu trúc tài sản và tiêu dùng liên thế hệ, dưới tác động của các yếu tố vĩ mô. Theo Viện nghiên cứu e61, giá nhà tăng phi mã buộc người trẻ kéo dài thời gian sống cùng cha mẹ, trong khi tỷ lệ di chuyển nơi ở giảm mạnh do chi phí chuyển đổi cao và thị trường thuê thiếu linh hoạt. Đồng thời, KPMG chỉ ra rằng thế hệ lớn tuổi, nhóm đã tích lũy phần lớn tài sản qua các chu kỳ trước, đang gia tăng chi tiêu vào tiêu dùng cá nhân và hưởng thụ, góp phần khoét sâu khoảng cách tài sản giữa các thế hệ.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Úc (ABS) cũng cho thấy người trẻ ngày càng thận trọng hơn trong quan hệ tình cảm, với số lượng bạn tình trung bình giảm, không đơn thuần là thay đổi xã hội mà là dấu hiệu của sự chuyển dịch từ cảm xúc sang tính toán, phù hợp với môi trường rủi ro tài chính ngày càng rõ nét. Những biến động trong nơi ở, tiêu dùng và mô hình quan hệ các chỉ báo sớm của một chu kỳ tái cấu trúc xã hội và tài sản. Đằng sau đó là sự hình thành một thị trường hai tốc độ: một bên mất dần khả năng tiếp cận tài sản, bên kia chuyển sang tiêu dùng nâng cấp hậu tích lũy.
NGƯỜI TRẺ SỐNG VỚI CHA MẸ THAY VÌ BẠN ĐỜI
Tại Úc, ngày càng nhiều người trẻ chọn sống với cha mẹ thay vì bạn đời, một dịch chuyển hành vi dưới áp lực tài chính kéo dài. Theo Viện e61, tỷ lệ chuyển nhà ở nhóm 18–24 tuổi đã giảm mạnh kể từ sau năm 2000, phần lớn do nhu cầu tiết kiệm để tích lũy đặt cọc mua nhà, khi giá bất động sản liên tục vượt khỏi khả năng tiếp cận. Song song đó, tỷ lệ người trẻ có bạn đời cũng giảm, cho thấy sự trì hoãn có chủ đích trong việc hình thành quan hệ gắn bó, phản ánh tâm lý tính toán và quản trị rủi ro cá nhân trong môi trường kinh tế bất định.
Tỷ lệ nam giới 18–24 tuổi sống với cha mẹ tăng từ 53% lên 60%, nữ giới từ 42% lên 53%, chỉ trong chưa đầy ba thập kỷ, một chuyển động âm thầm nhưng bền xu hướng. Đây chỉ báo định lượng cho thấy độ trễ trong việc hình thành hộ gia đình mới, và kéo theo đó là sức cầu thực tế đối với thị trường nhà ở đang bị nén lại trong trung và dài hạn.
NGƯỜI TRẺ CHUỘNG SỐNG MỘT MÌNH TỪ GIAI ĐOẠN ĐẦU SỰ NGHIỆP
Ngày càng nhiều lao động trẻ tại Úc trong độ tuổi 25–34 lựa chọn sống một mình ngay từ giai đoạn đầu sự nghiệp, thay vì sống ghép hay sống cùng bạn đời. Theo KPMG, nhóm này tăng trung bình 2.161 AUD mỗi năm cho chi tiêu nội thất và thiết bị gia dụng trong 2024 so với 2014 (đã điều chỉnh lạm phát), phản ánh rõ sự tái cấu trúc trong hành vi sở hữu và tiêu dùng cá nhân. Tỷ trọng chi tiêu cho đồ gia dụng tăng ổn định, cho thấy ưu tiên mới: kiểm soát không gian sống và độc lập tiêu dùng. Đến 2024, tỷ lệ hộ độc thân trong nhóm tuổi này vượt mốc 20%, từ mức 15% cách đây một thập kỷ, một thay đổi đủ lớn để ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng nội thất, thiết kế nhà ở và cấu trúc thị trường thuê đô thị.
Tỷ lệ chi tiêu cho thuê nhà trong ngân sách người trẻ giảm, không vì giá rẻ hơn, mà vì họ chọn căn hộ một phòng ngủ có tổng chi phí hợp lý và toàn quyền kiểm soát không gian, thay thế cho mô hình ở ghép thiếu ổn định. Đây là chỉ báo rõ rệt cho thấy mô hình hộ gia đình truyền thống đang bị phân rã, kéo theo sự tái thiết trong cấu trúc cầu nhà ở, tiêu dùng nội thất và hướng đi của dòng vốn bất động sản bán lẻ. Bên dưới sự thay đổi này là tín hiệu tái cấu trúc thị trường, từ sản phẩm đại trà sang giải pháp cá nhân hóa. Những phân khúc tưởng như bão hòa từ thiết kế nhà nhỏ, hậu cần nội thất đến sản phẩm tối giản phục vụ sống đơn thân, có thể chính là đòn bẩy tăng trưởng kế tiếp nếu nhìn đúng hướng.
HỘ GIA ĐÌNH TRẺ THAY ĐỔI CHỖ Ở THƯỜNG XUYÊN HƠN
Tỷ lệ sở hữu nhà sụt giảm và chi phí thuê ngày càng tăng đã buộc một bộ phận lớn các hộ gia đình trẻ tại Úc, đặc biệt trong nhóm tuổi 25–44, phải di chuyển chỗ ở thường xuyên hơn so với giai đoạn trước năm 2011. Theo phân tích dữ liệu điều tra dân số của Viện e61, tỷ lệ người trong nhóm tuổi này phải chuyển nhà trong vòng 12 tháng qua đã tăng đều kể từ 2011, tương ứng với sự gia tăng số người không sở hữu bất động sản riêng. Garvin, chuyên gia nghiên cứu của e61, nhận định rằng đà tăng giá bất động sản mạnh mẽ trong suốt thập niên 2010 đã kéo dài thời gian tích lũy tiền đặt cọc của các hộ trẻ, và nếu giá vẫn neo cao như hiện nay, khả năng cao nhóm lao động trẻ sẽ còn tiếp tục dịch chuyển thường xuyên hơn trong những năm tới.
Người thuê nhà có xu hướng phải chuyển chỗ ở nhiều lần hơn so với chủ sở hữu, và đó chính là yếu tố chính dẫn đến xu hướng dịch chuyển tăng mạnh kể từ 2011. Ẩn sau dòng dịch chuyển này là một cảnh báo chiến lược: thị trường nhà ở đang mất dần vai trò là nền tảng ổn định dân số trẻ, một bộ phận nhân lực chủ lực của nền kinh tế đang buộc phải lựa chọn linh hoạt hóa thay vì an cư, kéo theo sự bất ổn dài hạn trong mô hình tiêu dùng, giáo dục con cái và khả năng tích lũy tài sản hộ gia đình.
NHÀ Ở NGÀY MỘT NGOÀI TẦM VỚI CỦA MILLENNIALS
Thế hệ Millennials tại Úc đang dần bị loại khỏi thị trường sở hữu nhà, với tỷ lệ sở hữu thấp hơn đáng kể so với Gen X ở cùng độ tuổi, theo ABS. Đến 2024, nhóm 35–44 tuổi thuộc thế hệ này không chỉ mua nhà ít hơn, mà còn phải trả trung bình nhiều hơn 12.000 AUD/năm cho khoản vay, so với Gen X cách đây một thập kỷ, theo KPMG. Như chuyên gia kinh tế đô thị Terry Rawnsley nhận định: “Sở hữu nhà đang giảm, nhưng những người mua được thì phải hy sinh tỷ trọng thu nhập lớn hơn để giữ được nó.”
Thị trường bất động sản đang tái định hình theo hướng vừa loại trừ, vừa siết chặt: người chưa tiếp cận thì ngày càng bị đẩy xa; người đã mua được thì phụ thuộc nặng vào tín dụng và co hẹp khả năng chi tiêu khác. Với nhà đầu tư, đây là chỉ báo rõ rệt của một chu kỳ tập trung tài sản có tính cơ cấu, khi rào cản sở hữu tăng, sức bền tiêu dùng trung lưu giảm, và khả năng phục hồi nội địa suy yếu về dài hạn nếu không có thay đổi về chính sách hoặc cấu trúc tài chính hộ gia đình.
NGƯỜI LAO ĐỘNG LỚN TUỔI TIÊU DÙNG NHIỀU HƠN
Một bộ phận lao động lớn tuổi tại Úc, chủ yếu thuộc nhóm 55–64 tuổi, đang chi tiêu mạnh tay hơn cho các sản phẩm không thiết yếu, nhờ vào nền tảng tài chính đã ổn định và ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát sinh hoạt. Dữ liệu từ ABS cho thấy từ năm 2014 đến 2024, số người thuộc nhóm tuổi này có bằng cấp đại học và vẫn đang làm việc tiếp tục gia tăng, trong khi giá trị tài sản trung vị của họ tăng từ 1 triệu lên hơn 1,3 triệu AUD chỉ trong vòng tám năm. Phần lớn đã trả xong nợ nhà, con cái độc lập, thu nhập tiếp tục tăng, họ bước vào giai đoạn tiêu dùng hậu tích lũy, khi chi tiêu được chuyển dịch rõ rệt sang các danh mục mang tính hưởng thụ như rượu, thuốc lá, thời trang thiết kế, ẩm thực và giải trí, theo phân tích của KPMG. Tỷ trọng chi tiêu cho các mặt hàng này tăng lên rõ rệt trong nhóm 55–64 tuổi, trong khi các nhóm 25–54 lại có xu hướng cắt giảm cùng các khoản.
Đây không chỉ là chênh lệch thế hệ, mà là một pha tiêu dùng mới: từ tiết kiệm sang nâng cấp có chọn lọc, được dẫn dắt bởi nhóm có tài sản thực, thu nhập ổn định, và không còn gánh nặng nợ. Theo Rawnsley, đây là nhóm người chuyển từ việc mua thứ cần thiết sang mua thứ phản ánh vị thế. Họ không còn mua giày để đi, mà mua đúng loại giày thể hiện họ là ai. Với nhà đầu tư, đây là tín hiệu chiến lược của một chu kỳ chi tiêu tái định vị, nơi đòn bẩy không còn nằm ở nhu cầu đại trà, mà ở sự lựa chọn có ý thức của người tiêu dùng đã vượt ngưỡng sinh tồn tài chính.
Tìm hiểu chi tiết về sở hữu vĩnh viễn căn hộ, biệt thự và đất nền tại Úc do Arcadia Consulting chính thức giới thiệu tại Việt Nam cùng tư vấn chuyên sâu về chính sách thuế phí đầu tư bất động sản Úc, Quý khách vui lòng truy cập https://arcadiaconsult.com.vn/product-category/bat-dong-san/