DI CƯ TÀI SẢN 2025: SINGAPORE, THÁI LAN, WEXIT, MONTENEGRO
Singapore dự kiến chỉ ghi nhận mức nhập cư ròng khoảng 1.600 triệu phú trong năm 2025, giảm hơn một nửa so với con số 3.500 người được dự báo trong năm 2024, theo Báo cáo Di cư Tài sản Toàn cầu 2025 do Henley & Partners công bố ngày 24/06/2025. Điều này diễn ra trong bối cảnh kỷ lục 142.000 cá nhân có tài sản lớn sẽ chuyển nơi cư trú trong năm nay, phản ánh xu hướng dịch chuyển chiến lược của giới tài phiệt toàn cầu nhằm tìm kiếm môi trường ổn định hơn về pháp lý, tài chính và chất lượng sống.
Báo cáo cho thấy các điểm đến truyền thống của giới siêu giàu như Singapore, Úc, Canada và New Zealand đang ghi nhận lượng nhập cư ròng ở mức thấp nhất từ trước tới nay, cho thấy sức hút của các quốc gia này đang bị thử thách trong môi trường cạnh tranh toàn cầu mới. Trong khi đó, Thái Lan nổi lên như điểm đến thay thế đáng chú ý, với lượng triệu phú dự kiến nhập cư ròng đạt 450 người trong năm 2025. Báo cáo nhận định Bangkok đang nhanh chóng tái định vị mình như một đối trọng khu vực của Singapore, nhờ vào hệ sinh thái giáo dục quốc tế, sự phát triển của ngành dịch vụ tài chính, và thị trường bất động sản cao cấp đang mở rộng.
Thủ đô Thái Lan hiện đang thu hút sự quan tâm ngày càng lớn từ các cá nhân có tài sản lớn đến từ Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc, những người đang tìm kiếm một nơi cư trú hội tụ đầy đủ các yếu tố: ổn định chính sách, chi phí hợp lý, và tiềm năng đầu tư bền vững.
Theo Tiến sĩ Parag Khanna, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành AlphaGeo, công ty phân tích địa không gian, Singapore vẫn duy trì các lợi thế cạnh tranh cốt lõi: môi trường chính trị ổn định, hệ thống tài chính minh bạch và được quản lý chặt chẽ, chính sách thuế thuận lợi và chất lượng sống ở mức cao. “Trong một thế giới nơi bất định là hằng số, khả năng dự báo của Singapore chính là tài sản vô giá,” ông nhấn mạnh.
TRUNG QUỐC: DẤU HIỆU PHỤC HỒI
Báo cáo ghi nhận tốc độ xuất cư của giới triệu phú Trung Quốc đang chững lại với dự báo xuất cư ròng khoảng 7.800 người trong năm 2025, mức thấp nhất trong nhiều năm. Tiến sĩ Khanna nhận định đây có thể là kết quả của quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch, cùng với sự rõ ràng hơn trong điều hành chính sách và các ưu đãi đầu tư nội địa, góp phần khôi phục niềm tin trong giới thượng lưu.
Cùng lúc, các trung tâm công nghệ như Thâm Quyến và Hàng Châu, cùng sự tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực giải trí và lưu trú cao cấp, đang giữ chân một bộ phận người giàu trong nước. “Tuy nhiên, nhu cầu đa dạng hóa nơi cư trú và tiếp cận quyền tự do di chuyển toàn cầu vẫn hiện hữu, nhất là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị chưa hạ nhiệt. Vì vậy, dòng xuất cư sẽ chưa thể dừng lại hoàn toàn,” ông cảnh báo.
HỒNG KÔNG: ĐẢO CHIỀU MẠNH MẼ
Sau giai đoạn bất ổn từ 2019 đến 2022, Hồng Kông dự kiến ghi nhận mức nhập cư ròng khoảng 800 triệu phú trong năm 2025. đánh dấu sự đảo chiều đáng kể. Theo báo cáo, phần lớn dòng tiền và nhân sự cao cấp đến từ các quốc gia châu Á, đặc biệt là các giám đốc điều hành trong lĩnh vực công nghệ cao tại Thâm Quyến, phản ánh xu hướng dịch chuyển nội vùng trong giới tài sản lớn. “Đây không đơn thuần là kết quả của điều chỉnh thuế. Nó cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức của giới thượng lưu: cơ hội, tự do và ổn định lâu dài đang hiện hữu tại các điểm đến được quản trị tốt hơn,” Tiến sĩ Khanna kết luận.
Ông Dominic Volek, Giám đốc Khối Khách hàng Tư nhân Toàn cầu, Henley & Partners cho biết, các gia đình sở hữu siêu tài sản tại châu Á đang ngày càng triển khai chiến lược phân bổ hoạt động giữa Singapore và Hồng Kông, nhằm tối đa hóa cơ hội đầu tư và kiểm soát rủi ro hiệu quả hơn. Singapore cung cấp môi trường chính trị trung lập, dịch vụ ngân hàng tư nhân đẳng cấp và khả năng tiếp cận khu vực tăng trưởng nhanh Đông Nam Á. Trong khi đó, Hồng Kông sở hữu hệ thống thị trường vốn sâu rộng và liên kết chiến lược với Bắc Á, mang lại sự bổ trợ rõ nét cho giới đầu tư thượng lưu.
“WEXIT”: DÒNG THOÁI LUI CỦA GIỚI TÀI SẢN LỚN TẠI ANH QUỐC
Vương quốc Anh được dự báo sẽ chứng kiến mức xuất cư ròng cao nhất của giới triệu phú kể từ khi Henley & Partners bắt đầu thống kê dòng di cư tài sản toàn cầu, với 16.500 cá nhân có tài sản lớn dự kiến sẽ rời khỏi nước này trong năm 2025. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các cải cách thuế sâu rộng và thay đổi môi trường đầu tư.
Hiện tượng này được gọi là “Wexit” (wealth exit – làn sóng rút lui tài sản), khi giới thượng lưu Anh chuyển dịch sang các quốc gia có chính sách thuế ưu đãi như Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Monaco, Malta, và các điểm đến phong cách sống cao cấp như Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ. Tiến sĩ Juerg Steffen, Tổng Giám đốc, Henley & Partners nhấn mạnh: lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ, một quốc gia châu Âu là Vương quốc Anh dẫn đầu toàn cầu về lượng triệu phú rời đi. “Đây không chỉ là tác động đơn lẻ từ các thay đổi thuế. Nó phản ánh quan điểm ngày càng rõ rệt trong giới tài sản lớn rằng: cơ hội, tự do và sự ổn định dài hạn đang hiện hữu ở nơi khác,” ông nhận định.
LÀN SÓNG DỊCH CHUYỂN TẠI CHÂU ÂU
Một số quốc gia EU đang chủ động tận dụng sự suy giảm sức hút của Vương quốc Anh đối với giới tài sản lớn. Dự kiến trong năm 2025, Ý và Hy Lạp sẽ ghi nhận mức nhập cư ròng đáng kể lần lượt là 3.600 và 1.200 triệu phú. Lần đầu tiên, ba nền kinh tế chủ chốt của châu Âu bao gồm Pháp (-800), Tây Ban Nha (-500) và Đức (-400) được dự báo sẽ ghi nhận dòng xuất cư ròng của các cá nhân có tài sản lớn. Phần lớn trong số này tái định cư tại các điểm đến thuộc EU như Ý và Malta. Ngoài ra, một tỷ lệ đáng kể lựa chọn các trung tâm tài sản toàn cầu khác như Thụy Sĩ, UAE và Hoa Kỳ.
Trong nhóm các thị trường tài sản tăng trưởng nhanh nhất tại châu Âu, Montenegro nổi bật với mức tăng trưởng số lượng triệu phú cao nhất toàn cầu, lên tới 124% trong giai đoạn 2014–2024. Malta theo sau với mức tăng 87%. Nằm trên bờ biển Adriatic giữa Albania và Croatia, Montenegro được đánh giá cao nhờ khí hậu ôn hòa, chính sách thuế cạnh tranh và thị trường bất động sản ven biển giàu tiềm năng. Với vị thế là quốc gia đi đầu trong tiến trình gia nhập EU tại Tây Balkan, việc thiết lập hiện diện tài sản tại đây trước thời điểm gia nhập được xem là bước đi chiến lược có giá trị dài hạn.
Trái lại, Malta đang đối mặt với những thay đổi pháp lý quan trọng. Phán quyết của Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) vào cuối tháng 04/2025 đã tuyên bố chương trình nhập tịch theo diện đầu tư của Malta là không phù hợp với quy định EU. Mặc dù hệ quả cụ thể chưa rõ ràng, nhưng phán quyết này có thể làm chậm lại dòng vốn di trú vào quốc đảo này, vốn được dự báo vẫn sẽ thu hút khoảng 500 cá nhân có tài sản lớn trong năm nay. Viễn cảnh sở hữu hộ chiếu EU từng là yếu tố then chốt khiến Malta trở thành lựa chọn ưu tiên trong giới đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó, sự gia tăng sức hút của các quốc gia EU tầm trung đang tạo nên một xu hướng đáng lưu ý. Trong vòng một thập kỷ, Ba Lan và Latvia lần lượt ghi nhận mức tăng trưởng số lượng triệu phú ở mức 82% và 70%. Đối với Ba Lan, sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế cùng vị thế chính trị ngày càng nâng cao trong EU là những yếu tố chủ đạo. Latvia, nơi có cộng đồng nói tiếng Nga lớn, được đánh giá là điểm đến an toàn cho nhiều cá nhân giàu có đến từ Nga. Quốc gia này dự kiến sẽ đón thêm 100 triệu phú tái định cư trong năm 2025.